Tuesday, November 27, 2012

Cây mủ trôm có phát triển trên vùng núi Tánh Linh?


Nhắc đến cây trôm, dân Bình Thuận sẽ nghĩ ngay đến vùng đất nắng và gió Tuy Phong vì cây trôm đã trở thành “vị cứu tinh”, giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo. Có lẽ cũng muốn nhanh chóng đổi đời như thế, nên nông dân Tánh Linh đang trồng thử nghiệm giống cây trồng mới này với nhiều hi vọng…

Từ xã Suối Kiết, thị trấn Lạc Tánh đến xã Nghị Đức, Đức Phú - huyện Tánh Linh đều thấy nhà nhà bán cây giống mủ trôm. Khá ngạc nhiên với cây trồng mới trên vùng đất lắm mưa nhiều nắng này, tôi được ông Văn Quang Toàn – Phó phòng NN&PTNT huyện giải thích, “Ngành chức năng của huyện chưa quy hoạch cây trôm vì không có thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng này không. Hiện nay, đa số bà con đang trồng tự phát sau đợt tiêu và cao su rớt giá”. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá tiêu lên xuống thất thường, đầu ra không ổn định, nhiều nông dân lỗ nặng đã tháo dỡ vườn tiêu.

Cây mủ trôm có phát triển trên vùng núi Tánh Linh?
Nghe đâu ở huyện Tuy Phong cây trôm phát triển tốt, lại không tốn nhiều công chăm sóc nên bà con tự chuyển đổi mô hình tìm kiếm hi vọng. Gặp anh Lê Tuấn – xã Gia Huynh đang trồng thử nghiệm 100 cây trôm được 3 năm tuổi, anh cho biết: “Thấy giống trôm này hay hay, cho hiệu quả kinh tế cao, nên tôi mua giống về trồng thử.

Hiện vườn trôm của gia đình tôi đang phát triển khá tốt, không phải tốn công chăm sóc nhiều, chưa có dịch bệnh xảy ra nên tôi rất yên tâm. Theo tôi tìm hiểu, nếu được đầu tư chăm sóc tốt, chừng 3 năm trôm đã cho khai thác mủ. Tuy nhiên, thời điểm cây trôm cho mủ nhiều và chất lượng nhất là năm thứ 7 trở đi. Vì mới trồng thử nghiệm, nên tôi đợi cây phát triển thêm 1 – 2 năm nữa xem sao”.


Cây trôm là loại cây nhiệt đới, thích hợp trên nhiều vùng đất khác nhau, trừ vùng đất ngập lún. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao vừa là cây thuốc và cũng là cây thực phẩm dùng hầu hết ở các bộ phận như: hạt, dầu hạt, cơm hạt, mủ, vỏ cây, lá cây đều được sử dụng. Hiện nay nhu cầu sử dụng mủ trôm làm nước giải khát được nhiều người ưa chuộng nên giá bán mủ trôm khá cao. Giá bán trên thị trường từ 300.000 đến 400.000 đồng/kg, giá thu mua tại vườn từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg.

 Tuy chưa có sự nghiên cứu rõ ràng về cây trôm ở vùng đất khó tính này, nhưng nhà nào ít vốn cũng trồng khoảng 20 – 30 cây quanh vườn, xen lẫn với rau màu. Theo kinh nghiệm của một số người dân trồng trôm lâu năm ở huyện Tuy Phong, cây trôm có mức đầu tư thấp, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thu nhập lại ổn định. Với một ha trôm đến tuổi cho mủ, bình quân mỗi ngày chủ vườn trôm thu được gần 2 triệu đồng. Đó cũng là một trong những điều kiện hấp dẫn thu hút dân vùng núi Tánh Linh mạo hiểm với cây trồng mới.

Vài năm trước đây, dân Tánh Linh cũng từng ồ ạt trồng trầm hương (cây dó bầu) khi biết giá trị của trầm không phải là nhỏ. Lúc ấy có hẳn công ty cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nên nông dân nô nức trồng trầm. Sau 5 – 7 năm, cây trầm hương phát triển tốt, nhưng hiệu quả kinh tế thì chẳng ai thẩm định và phong trào trầm hương lại rơi vào lãng quên. Hi vọng với cây trồng mới, mủ trôm phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, mang lại kết quả như mong muốn, được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ thêm kỹ thuật và biết đâu cây trôm trong tương lai không xa sẽ trở thành cây chủ lực giúp dân nơi đây thoát nghèo.

 Minh Vân

No comments:

Post a Comment