Tuesday, November 27, 2012

Cây trôm: Đặc điểm và tác dụng


Trôm là cây bản địa chịu hạn rất tốt, trong những năm qua từ chương trình 661, tại Ninh Thuận đã tiến hành trồng cây trôm để phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở những vùng khô hạn. Không chỉ vậy, cây trôm còn cho sản phẩm là nhựa (mủ) rất có giá trị, nhờ vậy nhiều hộ dân tại đây đã giàu lên từ trồng loài cây đặc biệt này.

Cây trôm có tên khoa học là Sterculiia foetida, là loại cây lâm nghiệp thuộc họ gỗ lớn, thân thẳng cao từ 25 – 30m, vỏ nứt nhẹ có màu xám nhạt, lá kép chân vịt có cuống dài và thay lá hàng năm vào mùa khô. Cụm hoa mọc ở ngọn cùng với lá non. Hoa màu đỏ có mùi rất thối nên gọi là trôm thối. Quả từ 1 – 5 đại choãi ra màu đỏ tím, có lông, hạt màu đen.

Trôm là loại cây chịu hạn, trên thế giới chúng phân bố ở các nước Nam và Đông Nam á như Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Philippin… và châu Phi. Còn tại Việt Nam cây trôm phân bố tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ như Kom Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Do là cây gỗ của rừng khô hạn, chúng phân bố ở những vùng có mưa thấp từ 800 – 1.500mmm/năm, thậm chí những vùng mưa thấp hơn chúng vẫn phát triển được, tuy nhiên quá trình sinh trưởng và phát triển chậm. Cây trôm phân bố trên loại đất feralit vàng đỏ, đất xám trên granit hay phù sa cổ có tầng đất trung bình đến dày, những vùng đất xấu hơn vẫn có thể trồng được trôm. Ở Việt Nam cây trôm mọc nhiều nhất trong tự nhiên tại xã Phước Dinh (Ninh Phước - Ninh Thuận) và nơi đây chất lượng mủ trôm cũng tốt nhất. 

Các vùng có mưa nhiều như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cây trôm cũng được trồng tại đường phố hay trong công viên, tuy nhiên chỉ để làm bóng mát, do lượng mưa nhiều nên chất lượng mủ trôm không tốt.
Cây trôm: Đặc điểm và tác dụng
Công dụng của mủ trôm: Mủ trôm khô và có màu trắng có nhiều tác dụng; vị ngọt tính mát, nhiều vi lượng, hàm lượng khoáng chất cao như magie 102mg, kali 360mg, kẽm 50mg. Về mặt y học nhựa trôm hút nước mạnh nên có tác dụng làm trương nở và kích thích nhu động ruột, nhờ đó phân được đẩy ra dễ dàng. Vì vậy nhựa trôm được xem là thuốc nhuận tràng, dùng điều trị táo bón.

Mủ trôm còn có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương. Bên cạnh đó, do có tính kết dính nên trong ngành dược mủ trôm được sử dụng làm chất kết dính, nhũ hóa và bảo quản rất tốt. Mủ trôm được xem là thuốc, vì vậy khi sử dụng cần chú ý liều lượng, không chỉ có chỉ dẫn sử dụng cho từng đối tượng mà tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh lý hoặc cơ địa của từng người, nếu sử dụng bừa bãi như một thức uống giải khát thì rất nguy hiểm.

Do có nhiều tác dụng nên mủ trôm rất có giá trị, giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg. Chính vì được giá nên trôm mọc trong tự nhiên bị người dân khai thác theo kiểu tận diệt khiến cho trôm trong tự nhiên còn rất ít. Trước nguy cơ cây trôm bị cạn kiệt, từ năm 2000, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước đã có đề tài khoa học trồng thử nghiệm cây trôm trên vùng đất khô hạn tại xã Phước Dinh theo dự án 661 phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Những năm đầu Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước đã hỗ trợ người dân cây giống, kỹ thuật và tiền chăm sóc bảo vệ. Sau 5 năm trồng trôm từ năm 2005 nhiều hộ dân đã thu hoạch được mủ trôm như gia đình anh Châu Hội, xã Phước Nam có 3 ha trôm, những năm qua gia đình anh thu được khoảng 200 triệu đồng từ bán mủ trôm. Nhờ trồng cây trôm không những phủ xanh đồi núi trọc tại vùng khô hạn nhất nước mà cây trôm còn có hiệu quả kinh tế rất cao. Chính vì vậy tại vùng này người dân đã trồng được trên 120ha trôm. Tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận hiện cũng có rất nhiều hộ dân giàu lên từ trồng trôm.

Bên cạnh giá trị của mủ, trôm là loại cây thân gỗ, sống lâu năm trồng khai thác gỗ rất kinh tế. Gỗ trôm có thể dùng làm bao bì, bột giấy, ván dăm, ván sợi, do vậy khi khai thác mỗi ha trôm người dân còn thu hàng trăm triệu đồng từ bán gỗ.

Để biết thông tin kỹ về cây trôm bạn đọc có thể liên hệ với ông Đặng Kim Cương, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước theo số ĐT 0913198048.

* Nhắn bạn đọc hỏi về cây ném: Ném (tên địa phương) chính là hành tăm, là loại rau gia vị còn là 1 vị thuốc, chống một số bệnh:

- Củ ném giã nhỏ trộn với muối để xoa đắp trên trán và trong người mỗi khi sốt vì cúm.

- Xâu ném thành một chuỗi như chiếc vòng để đeo quanh cổ tay, cổ chân hoặc như một cái kiềng ở cổ để chữa bệnh suyễn.

- Chè ném: Củ ném được rửa sạch cho nước vào nấu sôi khoảng 30 phút là được. Sau đó cho nửa bánh đường đen (chừng 4 lạng). Chặt nhỏ cho mau tan. Đi làm gặp mưa bất ngờ hay bị cảm nắng, chỉ ăn một chén chè ném là giải cảm rất tốt. Nếu vì đột xuất gặp mưa cũng có thể ăn sống chừng mười hạt ném và uống một ly rượu trắng cũng có tác dụng giải cảm


No comments:

Post a Comment