Tuesday, November 27, 2012

Triển vọng mới từ cây trôm


 Cây Trôm (Stereulia Foetida) là loại cây thân gỗ, phát triển tốt ở những vùng đất khô hạn. Gỗ trôm có thể dùng làm bao bì, bột giấy, ván dăm, ván sợi. Giá trị lớn nhất của cây trôm là mủ. Đây là loại nguyên liệu quan trọng dùng trong công nghiệp chế biến nước giải khát. Hiện, nhiều nông dân ở Tiền Giang đã bắt đầu trồng trôm trên đất vườn.

Anh Trương Văn Bảy Nhỏ là người đầu tiên trồng trôm ở xã Tân Thành (Gò Công Đông – Tiền Giang). Hiện anh đang trồng 120 gốc trôm 7 năm tuổi trên phần đất 2.000m2. Cây trôm của anh cũng đã cho mủ từ 3 năm trước.

Về kỹ thuật trồng, anh Bảy Nhỏ cho biết, trôm là loại cây dễ trồng. Khi cây còn nhỏ, người trồng tăng cường bón phân cho cây khoẻ, vài ngày tưới nước một lần. Khi cây có tán lá thì không cần phải chăm sóc thường xuyên nữa.
Triển vọng mới từ cây trôm
Sau khi trồng khoảng 3 năm thì trôm bắt đầu cho mủ, muốn lấy mủ trắng, không bị vàng, trước khi lấy, người trồng phải vệ sinh sạch sẽ thân cây, cũng như sân vườn. Theo anh Bảy Nhỏ, trên thị trường có nhiều loại mủ và giá cả chênh lệch rất nhiều, mủ trắng 230.000 đồng/kg, mủ vàng 100.000 – 200.000 đồng/kg.

Tinh chất mủ Trôm dạng thô:
Đưa chúng tôi ra vườn tham quan 120 gốc cây trôm đang cho mủ, ngồi dưới gốc cây, anh Nhỏ dùng tay gỡ từng cục mủ đặc sệt đang chảy từ nơi đục thân xuống. Anh Nhỏ cho biết, kỹ thuật lấy mủ trôm cũng tương tự như lấy mủ cao su, nhưng không cần gáo hứng mủ. Trên thân cây, anh Bảy Nhỏ rạch lớp vỏ mỏng bên ngoài bề ngang khoảng một gang tay, bề dài khoảng 3 tấc, sau đó đục vỏ thân đụng tới gỗ để mủ trôm tiết ra. Mủ trôm tiết ra đông thành từng cục nhỏ tự bám vào vỏ cây. Sau khi lấy mủ, chỉ cần phơi mủ trôm dưới ánh nắng gắt trong thời gian 3 – 5 ngày là có thể đem bán.

Cũng theo anh Bảy Nhỏ, với 120 gốc trôm, anh chia ra làm ba giai đoạn lấy mủ khác nhau, mỗi lần chỉ lấy mủ 40 cây và xoay vòng để cả năm lúc nào cũng có mủ thu hoạch, đảm bảo thu nhập. Theo cách làm của anh Nhỏ thì anh chỉ vạt vỏ mỏng trên thân cây, đục thân để lấy mủ liên tục ở 40 cây trong vòng 2,5 tháng thì ngưng lại để dưỡng cây, sau đó tiếp tục lấy mủ ở 40 cây khác. Lần lấy mủ ở 40 cây còn lại thì 40 cây trước đã tự lành thịt và có thể tiếp tục cho mủ. Hiện, anh Nhỏ còn nhân giống cây trôm để bán cho bà con nông dân trong tỉnh và các địa phương lân cận như: Bến Tre, Vĩnh Long…

Ông Phạm Văn Kiệp, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Hiện nay, chỉ riêng xã Tân Thành đã có hơn 20 hộ nông dân trồng trôm để kiếm thêm thu nhập”. Đây là một cây trồng mới, nhiều triển vọng vì thị trường tiêu thụ rộng mở. Vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trôm.

No comments:

Post a Comment