Tuesday, November 27, 2012

Triển vọng từ cây trôm trên vùng đất trũng


Là loại cây trồng chịu nhiệt và thích hợp trên đất khô cằn, hiện nông dân ở Sóc Trăng đã đưa cây trôm vào trồng ở những vùng đất trũng, nhiễm phèn, ngập nước và thu được lợi nhuận khá cao.

Người đi đầu trong việc trồng thử nghiệm loại cây này trên vùng đất phèn chua, ngập nước ở Sóc Trăng là lão nông Nguyễn Văn Tấn ngụ ấp Tân Hòa (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú).

 Hơn 2 năm trước, ngoài việc trồng sen lấy gương, phần đất trên bờ ao (khoảng 1,5ha) được ông Nguyễn Văn Tấn trồng các loại cây ăn trái, nhưng giá bán khi ấy lên xuống thất thường; lại tốn khá nhiều công chăm sóc.

Năm 2009, thông qua sự giới thiệu của người quen, ông Tấn mua 90 cây trôm giống từ các tỉnh miền Trung về trồng thử trên bờ của các ao sen. Sau một thời gian, thấy cây phát triển tốt và bắt đầu cho hiệu quả kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn, ông Tấn quyết định mua thêm cây giống và phát triển lên gần 900 gốc như hiện nay.
Triển vọng từ cây trôm trên vùng đất trũng
 Theo ông Tấn, trôm là loại cây dễ trồng, sau 18 tháng trồng cây bắt đầu có nhựa và có thể thu hoạch dần dần. Khi cây trôm còn nhỏ, người trồng cần tăng cường bón phân cho cây khoẻ, vài ngày tưới nước một lần. Khi cây có tán lá thì không cần phải chăm sóc thường xuyên nữa.

Trồng khoảng 3 năm, trôm bắt đầu cho mủ. Khi lấy mủ, muốn mủ trắng, không bị vàng, trước khi lấy phải vệ sinh sạch sẽ thân cây cũng như sân vườn.

Hiện với những gốc trôm đang thu hoạch, cứ cách 7 ngày ông Tấn lại lấy nhựa một lần, mỗi lần được khoảng 250gam nhựa tươi/cây. Trên thị trường có nhiều loại mủ trôm và giá cả khá chênh lệch: Mủ trắng 230.000 đồng/kg, còn mủ vàng chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/kg.

Ông Tấn chia sẻ: “Trong thời gian tới, nếu số lượng nhựa trôm nhiều, ngoài việc tiêu thụ tại địa phương, tôi sẽ bắt mối bán cho các thương lái ngoài tỉnh. Hơn nữa, thương lái ở các địa phương khác cũng có nhu cầu thu mua hạt để lấy dầu hoặc làm giống”.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, đến nay tại ấp Tân Hòa A đã có khoảng 11 hộ nông dân bắt đầu áp dụng mô hình này; trong đó hộ trồng nhiều nhất được 40 gốc, ít nhất gần 10 gốc.

Theo ông Trần Minh Thiện - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng - với những ưu thế về giá trị kinh tế, trong tương lai cây trôm có thể sẽ là cây trồng hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân vùng đất lung bào Sóc Trăng. Khi đó, việc canh tác nông nghiệp của địa phương cũng có thêm bước đột phá mới trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng ngày càng hiệu quả. Hiện Hội Nông dân huyện Mỹ Tú đang có hướng nhân rộng mô hình này đến hội viên, nông dân...


No comments:

Post a Comment